Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Quy trình cách làm bánh mì chuẩn chỉnh từ A-Z

Quy trình cách làm bánh mì chuẩn chỉnh từ A-Z

Cách làm bánh mì không khó. Nhưng để làm ra được những chiếc bánh mì đảm bảo cả về mùi vị, độ giòn, độ dày của vỏ, độ mềm dẻo, dai của ruột... thì thực sự khó. Rất cần sự cẩn thận, kĩ lưỡng.

quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-1

1. Cách làm bánh mì - Quy trình gồm 10 bước cơ bản

Dưới đây là các bước để làm bánh mì nói chung, từ cân đo nguyên liệu cho tới bảo quản. Tất cả các nguyên liệu đều cần được cân chính xác. Nhưng đặc biệt lưu ý với các nguyên liệu dạng “gia vị” (spices) vì chúng thường được dùng với một lượng rất nhỏ. Lưu ý hơn nữa là muối, vì muối có ảnh hưởng đến quá trình lên men.
  1. Cân các nguyên liệu khô và ướt. Tùy theo từng loại bánh mì khác nhau mà thành phần và tỷ lệ sẽ khác.
  2. Trộn các loại nguyên liệu với nhau thành 1 khối.
  3. Nhào bột. Khâu này rất quan trọng nếu muốn bánh thật bông và mềm
  4. Lên men. Để cho bánh mì có được độ bông xốp, cần cho nó lên men.
  5. Ép khí. Khi bột lên men, khí CO2 sẽ sinh ra, cần được ép hết đi.
  6. Chia bột thành các phần thích hợp. Nhưng phần này sẽ tương đương 1 chiếc bánh. Nặn tròn bột rồi cho nghỉ 1 lát
  7. Tạo hình. Nặn bột thành những hình dáng tùy theo ý thích và công thức.
  8. Cho bánh nở. Sau quá trình này bánh sẽ nở to gần bằng kích thước sản phẩm.
  9. Rạch bánh để khi nướng bánh nở thêm. Cho bánh vào lò và nướng ở nhiệt độ thích hợp
  10. Bánh mới ra lò là ăn ngon nhất, không nên để bánh quá 2 ngày nếu không có biện pháp bảo quản đặc biệt.

2. Cách làm bánh mì - Nhào bột: một trong những khâu quan trọng nhất

Công đoạn nhào trộn trong các công thức làm bánh mì là để thực hiện 3 mục đích:
– Kết hợp tất cả các loại nguyên liệu lại để thành một khối bột đồng nhất.
– Phân phối men đều trên toàn bộ khối bột.
– Tạo điều kiện cho gluten phát triển.

quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-2

Có 3 phương pháp cơ bản dùng để nhào bột khi thực hiện cách làm bánh mì

2.1, Bánh mì nguyên:

– Làm mềm men với 1 ít nước:
+ Với men tươi (fresh yeast): lượng nước gấp 2 lượng men. Nhiệt độ nước lý tưởng là 38 độ C.
+ Với men khô (active dry yeast): lượng nước gấp 4 lần lượng men. Nhiệt độ nước lý tưởng là 43 độ C.
– Cho tất cả các nguyên liệu còn lại vào một bát trộn lớn, thêm men hòa nước, tránh không cho men tiếp xúc trực tiếp với muối ngay (vì thế, khi làm, L thường để muối riêng và trộn sau cùng sau khi đã hòa men nhuyễn vào bột).
– Nhào thành một khối bột đồng nhất.

2.2, Bánh mì ngọt:

– Làm mềm men (giống phương pháp trên).
– Kết hợp chất béo, đường, muối, sữa, hương liệu, trộn đều.
– Cho trứng vào từ từ.
– Cho chất lỏng và trộn nhanh tay.
– Cho bột khô và men. Trộn thành khối bột đồng nhất. 

2.3, Bánh sponge:

– Kết hợp chất lỏng, men với 1 phần bột (đôi khi có thêm 1 phần đường), trộn thành một khối bột mềm và để cho khối bột này nở lên gấp đôi.
– Ép khí ra khỏi khối bột đã nở, cho phần bột còn lại và các nguyên liệu khác vào, nhào thành khối bột đồng nhất.

3, Cách làm bánh mì - Các công đoạn khác

Thường thì các bạn sẽ thấy trong các công thức làm bánh mì có khá nhiều bước, để bột nghỉ hay đấm bột các thứ, hay là xịt nước khi nướng bánh mì... Tại sao lại có những công đoạn này? chúng có tác dụng gì? Dưới đây Bếp sẽ lý giải cho rõ nhé

3.1, Thời gian nhào bột và tốc độ nhào bột

Bột nhào chưa đủ hoặc nhào kĩ quá đều giảm khả năng nở của bột.

Với những nhà có máy nhào bột bánh mì thì đây không phải vấn đề phức tạp. Máy nhào đã có sẵn chế độ thời gian và tốc độ, chỉ cần theo công thức hướng dẫn nhào bao lâu, ở tốc độ nào mà làm theo. Tuy nhiên không nên phụ thuộc hoàn toàn vào những con số tham khảo đó, vì chúng chỉ là tham khảo. Vì bản thân máy nhào cũng có kích thước, dung tích, công suất khác nhau. Vì thế cần tham khảo thêm cả hướng dẫn sử dụng riêng cho máy đó.

quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-3

Nhà ai không có máy nhào bánh mì  thì tất cả phụ thuộc vào cảm nhận của 2 bàn tay. Khó có thể nói nhào bao nhiêu phút là được vì mỗi người có lực và tốc độ nhào khác nhau.

Do đó dù nhào bằng máy hay bằng tay thì sự đánh giá bằng mắt và cảm nhận bằng tay vẫn là quan trọng nhất. Điều này sẽ đạt được khi làm nhiều và từ đó mà có nhiều kinh nghiệm. Khối bột được nhào đủ sẽ cho cảm giác trơn mịn, dẻo và dai, không dính.

3.2, Lên men và để bột nở

Trong các bước làm bánh mì thì công đoạn lên men thường gặp lỗi nhiều nhất, làm cho mẻ bánh mì nhiều tâm huyết bị hỏng.

Với công dụng chính là làm cho bánh nở to theo đúng cái tên của nó, lên men là quá trình men tương tác với đường và tinh bột để sản sinh ra CO2 và cồn. Bột chưa lên men đủ sẽ không thể đạt được thể tích chuẩn, kết cấu bánh sẽ bị thô.

Bột bị lên men ở nhiệt độ quá cao hoặc trong thời gian quá lâu sẽ trở nên dính, khó thao tác và hơi chua.

3.3, Gập hay đấm bột

Sau khi quá trình lên men hoàn thành, khối bột cần được gập (truyền thống còn gọi là “đấm” bột) để làm khối bột đã nở xẹp xuống, tuy nhiên quá trình này không chỉ đơn thuần là động tác “đấm” vào khối bột mà còn là một chuỗi thao tác gập bột lại làm nhiều lần, nhằm mục đích loại bỏ khí CO2   , phân tán men và nhiệt độ đều hơn trong toàn khối bột.

Vì thế có thể tưởng tượng giai đoạn này là các động tác kéo bột cho trải rộng ra rồi gập lại và ấn, lại kéo rộng khối bột lại gập lại ấn.

3.4, Chia bột làm bánh mì

Tùy theo độ lớn nhỏ chiếc bánh mì định làm mà chia khối bột to thành những khối bột nhỏ hơn có cân nặng bằng nhau. Thao tác này nên làm nhanh để tránh khối bột có thêm nhiều thời gian mà bị lên men quá đà.
quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-4

3.5, Nặn tròn

Sau khi chia bột thành những khối đều nhau, từng khối bột nhỏ được nặn thành những khối cầu, bề mặt nhẵn mịn. Đây cũng là hình dáng tạo điều kiện cho bột nở tốt nhất trong quá trình để bột nghỉ trước khi nướng.

3.6, Để bột nghỉ

Từng khối bột tròn sẽ được để cho “nghỉ” 10-20 phút. Bột được đặt trên mặt phẳng, dùng dụng cụ nào đó như cái xoong, nồi, hộp để úp khối bột vào trong.

3.7, Tạo hình và chuyển ra khay nướng

Công đoạn này thì tùy vào loại bánh mì định làm, tùy sự sáng tạo và khéo léo để tạo ra những hình dạng bánh ngon mắt.
quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-5

3.8, Proofing - công thức làm bánh mì chuẩn sẽ có công đoạn này

Đây là công đoạn tiếp tục của quá trình lên men để làm khối bột nở đến thể tích chuẩn. Nhiệt độ quá trình proofing cao hơn quá trình lên men.

Thường thì cho khay bánh vào lò, lò bật khoảng 30 giây cho vừa đủ cao hơn nhiệt độ môi trường ngoài. Để bột bánh cho đến khi khối bột nở lên gấp đôi. Bột chưa nở đủ độ thì khi nướng xong, bánh mì sẽ bị đặc, rắn. Bột bị nở quá sẽ bị mất vị thơm và kết cấu bánh sẽ bị thô.

3.9, Nướng bánh

a. Nhiệt độ lò và thời gian nướng

Tùy từng loại bánh, kích cỡ mà có thời gian nướng khác nhau và cũng tùy vào loại lò nướng mà gia đình bạn sử dụng nữa. Dưới đây là vài nguyên tắc cơ bản để điều chỉnh nhiệt độ lò.
– Bánh cỡ to nướng ở nhiệt độ thấp hơn và thời gian dài hơn bánh cỡ nhỏ hoặc dài.
– Bánh mì ngọt hoặc có bơ đường được nướng ở thời gian thấp hơn để tránh bánh nhanh bị vàng và cháy.
– Bánh nướng đủ là khi vỏ bánh đạt được màu vàng nâu và khi bóp sẽ nghe những tiếng nổ giòn rất thích.
quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-6


b. “Rửa” bột

Thực chất đây là quá trình phết hoặc xịt lên mặt bột một loại chất lỏng nào đó, có thể là nước, trứng gà hoặc hỗn hợp tinh bột.
– Bánh mì có vỏ cứng thường được quết hoặc xịt nước lên mặt bánh, trong lò có hệ thống xịt nước trong quá trình nướng thì càng tốt. Hơi nước sẽ làm cho vỏ bánh không bị khô đi quá nhanh, vì thế đảm bảo được vỏ mỏng mà vẫn giòn.
– Trứng gà để tạo cho bề mặt bánh được nâu bóng, thường thấy với các loại bánh mì bơ ngọt.

c. Rạch bột

Những đường rạch trên bánh có tác dụng làm bánh nở tốt hơn trong quá trình nướng. Thường thì có loại dao chuyên dụng để rạch thì đường rạch sẽ sắc nét và chuẩn hơn. Nếu không có dao chuyên dụng thì có thể sử dụng dao lam, tuy nhiên rạch như vậy cũng hạn chế việc bánh nở làm bật lên đường rạch đẹp.

d. Cho bánh vào lò

Bột sau khi proofing sẽ rất mềm vì vậy cần thao tác cẩn thận. Thường với bánh mỳ, khay nướng được ở rãnh thấp nhấp trong lòng.

e. Làm nguội

Bánh nướng xong phải bỏ ra khỏi khay/khuôn nướng và làm nguội trên giá ngay.

quy-trinh-cach-lam-banh-mi-chuan-chinh-7

Hy vọng với những chia sẻ khá là kỹ lưỡng về từng bước trong công thức làm bánh mì này sẽ giúp ích cho các bạn. Theo dõi bài tiếp theo về các lỗi thường gặp khi làm bánh mì và cách khắc phục để nằm lòng loại bánh này nhé!

Cách làm cupcake nhân kem chanh leo siêu xinh xắn

Chiếc cupcake siêu xinh xắn, dễ thương và vô cùng ngon lành. Tuy cách làm cupcake nhân kem chanh leo có hơi cầu kỳ chút xíu nhưng thành phẩm thì xứng đáng các mẹ a!!! Vào Bếp làm Bánh ngay nào

Công thức làm cupcake nhân kem chanh leo

A- Phần cupcake

- Hỗn hợp lòng đỏ: 3 lòng đỏ trứng, 20g đường, 40ml dầu ăn, 40ml sữa không đường, 60g bột mỳ mịn.
- Hỗn hợp lòng trắng: 3 lòng trắng trứng, 40g đường, ½ thìa cà phê cream of tartar.

B- Phần nhân kem chanh leo

- Trứng gà: 1 quả
- Đường: 2-3 thìa canh (tùy độ chua của chanh leo và khẩu vị)
- Bơ nhạt: 30g
- Chanh leo: 1 quả
- Nước: 15ml
- Muối: 1 nhúm
- Kem tươi: 125ml

Cách làm cupcake nhân kem chanh leo

A- Cách làm bánh cupcake

Bước 0: Làm nóng lò ở nhiệt 180 độ C
Bước 1: Hỗn hợp lòng trắng: đánh lòng trắng trứng cho nổi bọt rồi cho cream of tartar vào đánh tiếp đến khi hỗn hợp nổi bọt nhỏ mịn thì cho từ từ đường vào đánh tiếp đến khi bông cứng (chú ý không đánh quá vì lòng trắng sẽ bị khô, khó trộn vào hỗn hợp lòng đỏ).
Bước 2: Hỗn hợp lòng đỏ: Đánh lòng đỏ với đường đến khi hỗn hợp sáng mịn như kem, cho tiếp dầu ăn + sữa vào đánh tiếp cho đều. Rây mịn bột mì vào hỗn hợp, dùng phới trộn đều thành hỗn hợp mịn mượt.
Bước 3: Cho từng 1/3 hỗn hợp lòng trắng vào hỗn hợp lòng đỏ dùng phới trộn nhẹ tay theo một chiều, theo kiểu hất từ dưới lên.
Bước 4: Chia vào các cốc giấy cupcake cho vào lò nướng, nhiệt 180 độ C từ 20-25 phút đến khi bánh chín thì lấy ra để nguội.

B- Cách làm nhân kem chanh leo

Bước 1: Chanh leo bổ đôi lấy ruột, hòa tan cùng 15 ml nước
Bước 2: Đánh tan trứng với đường trong nồi. Cho chanh leo đã hòa tan, bơ và một nhúm muối. Cho hỗn hợp lên bếp khuấy đều tay ở lửa nhỏ đến khi hỗn hợp sệt lại, bám vào thành nồi thì tắt bếp, để nguội.

Bước 3: Kem tươi đánh bông mềm, đánh cứng quá khi trộn với chanh leo sẽ bị tách nước. Cho hỗn hợp chanh leo đã nguội vào trộn đều, để kem trong tủ lạnh, nếu kem bị cứng quá chỉ cần để ra ngoài vài phút là kem lại mềm ngon.


-> Dùng dao rạch cupcake như hình dưới, bóp kem chanh leo vào giữa bánh.



-> Trang trí bánh bên ngoài bằng kem tươi và rưới nước chanh leo lên là bạn đã hoàn thành xong món bánh cupcake chanh leo thơm lừng rồi ;). Hoặc không thích dùng nước cốt chanh leo thì các bạn có thể xem 2 công thức sốt chanh leo từ Bếp Bánh này nhé



Xinh xắn nhìn thích hết cả mắt đúng không cả nhà. Hy vọng các mẹ thành công công thức làm cupcake nhân kem chanh leo này và mang thành quả khoe với Bếp nhé!

Công thức làm panna cotta chanh leo siêu nhanh đơn giản

Chanh leo là nguyên liệu có thể làm được nhiều loại bánh, đồ uống và cả món ăn. Cùng Bếp vọc vạch xem làm được những món bánh hấp dẫn gì từ chanh leo nào, hôm nay sẽ làm cách  làm panna cotta chanh leo siêu nhanh đơn giản

Công thức làm panna cotta chanh leo - Phần panna cotta

- 110g whipping cream
- 5g bột gelatine
- 45g đường

Công thức làm panna cotta chanh leo - Phần chanh leo

- 50g cốt chanh leo bỏ hạt
- 30g nước
- 5g bột gelatine
- 45g đường

Cách làm panna cotta chanh leo

  1. Gelatine ngâm với nước khoảng 10' cho nở. Whipping cream cho vào nồi cùng với đường, đun ở lửa vừa cho nóng lên, khuấy đều tay để đường tan hết và tránh bị cháy. Gelatine đã nở cho vào nồi whipping khuấy đều cho tan hết.
  2. Tương tự với phần chanh leo, gelatine ngâm với nước 10' cho nở. Cốt chanh leo, nước lọc, đường cho vào nồi đun lửa vừa và khuấy tan đường. Khi hỗn hợp nóng lên thì cho gelatine vào khuấy đều cho tan
  3. Đổ từng lớp vào cốc, để vào ngăn mát tủ lạnh 30-45' cho lớp trước đông rồi mới đổ tiếp lớp sau.
Lưu ý: Không nên sốt ruột mà đổ sớm các lớp sẽ lẫn vào nhau không đẹp. Nếu trong quá trình đổ hỗn hợp bị đông lại thì cho vào lò vi sóng 10-15s cho tan ra là được
Chúc các bạn thành công!

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Cách làm Pudding chanh leo từ bánh quy Marie

Bánh pudding là món tráng miệng cực phổ biến và nổi tiếng tại các nước phương Tây. Pudding mềm mát, có độ ngậy của sữa, kem cùng hương thơm dìu diu của trái cây. Nếu bạn đang tìm kiếm một món ăn tráng miệng vừa bổ dưỡng lại dễ làm thì bánh pudding là sự lựa chọn hàng đầu đấy ^_^

cach-lam-pudding-chanh-leo-tu-banh-quy-marie-4



Nguyên liệu làm Pudding chanh leo từ bánh quy Marie

- Cốt bánh: ½ bát vụn bánh quy Marie + 1 thìa canh bơ
- Pudding: 4-5 quả chanh leo + 1 bát kem đặc + ½ bát sữa đặc + 2-3 thìa canh đường xay
- Lớp phủ bánh: 1 quả chanh leo + 2 thìa cà phê đường

cach-lam-pudding-chanh-leo-tu-banh-quy-marie-1

Cách làm Pudding chanh leo từ bánh quy Marie

Bước 1: Cách làm cốt bánh pudding: trộn đều vụn bánh quy marie với bơ rồi chia ra 4 cốc

Bước 2: Cách làm bánh Pudding:
- Ruột các miếng chanh leo cho vào máy xay, thêm 1 chút nước để xay cho dễ, các bạn ấn - thả nút trên máy xay chứ không chọn nút tốc độ (để tách hột), xay từ 2-3 phút. Rồi lọc phần chanh leo xay để lấy nguyên phần nước, bỏ phần hạt.
- Trong một bát, trộn kem đặc, sữa đặc, đường bột và nước chanh leo vừa lọc. Đánh đều cho đến khi nhuyễn mịn và có màu sáng nhạt.
- Rót hỗn hợp vừa đánh vào 4 cốc bánh quy, sau đó cho các cốc vào tủ lạnh khoảng 1 giờ hoặc cho đến khi cần.

Bước 3: Cách làm lớp phủ bánh Pudding:
- Dùng thìa trộn đường với ruột 1 quả chanh leo cho đến khi chúng hòa quyện vào nhau.

cach-lam-pudding-chanh-leo-tu-banh-quy-marie-2cach-lam-pudding-chanh-leo-tu-banh-quy-marie-3

Khi dùng các bạn lấy pudding ra và rưới lớp phủ lên trên là có món bánh mát lịm rồi!!! Chúc các bạn thành công và làm thêm nhiều công thức bánh chanh leo nữa nhé!!!

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Công thức làm bánh Matcha tiramisu - tiramisu trà xanh

Nhẩn nha một chút vị không lẫn vào đâu được của matcha kết hợp cùng bánh tiramisu ngầy ngậy là ngày cuối tuần của mình đã trở nên tuyệt vời rồi.

cong-thuc-lam-banh-matcha-tiramisu-1cong-thuc-lam-banh-matcha-tiramisu-2

Công thức làm bánh tiramisu matcha

Nguyên liệu làm tiramisu trà xanh

  • Phomai mascarpone: 250g
  • Whipping cream: 300g
  • Đường xay: 70g
  • Bột trà xanh: 15g
  • Bột trà xanh rắc mặt
  • Rượu Rum: 50ml
  • Bánh champa: 1 gói

cong-thuc-lam-banh-matcha-tiramisu-3

Cách làm tiramisu trà xanh

Bước 1: Hòa tan trà xanh với 150ml nước sôi, quấy tan rồi để nguội.

Bước 2: Đánh bông whipping bằng máy đánh trứng vào 1 âu riêng. Đánh bông mascarpone và 1 âu riêng.

Bước 3: Trộn đều whipping và mascarpone vào với nhau. Tiếp theo cho 60-70ml nước trà xanh, rượu rum, đường bột vào trộn đều.
Lưu ý: Nếu các bạn ăn ngọt hơn thì cho thêm đường vào nhé.
Bước 4: Nhúng bánh champa vào phần nước trà xanh còn lại. Rồi xếp đều bánh vào lòng khuôn bánh. Phủ 1/2 số kem lên trên và dàn đều. Lặp lại 1 làn nữa để bánh có 2 lớp. Cho vào ngăn mát tủ lạnh 12 tiếng hoặc nếu muốn nhanh các bạn cho vào ngăn đá để bánh đông lại và định hình nhé.

Bước 5: Sau khi bánh đã đông cho bánh ra khỏi khuôn, rắc bột trà xanh lên trang trí.

cong-thuc-lam-banh-matcha-tiramisu-4

Hướng dẫn làm bánh tiramisu matcha


Chúc các bạn thành công!

Thanh nhẹ công thức làm bánh dẻo tuyết chanh leo

Bánh dẻo tuyết chanh leo - Passion Fruit Snowskin Mooncakes

Cách làm bánh trung thu hiện đại thực ra cũng không khác cách làm bánh trung thu truyền thống lắm, chỉ cần nắm rõ các nguyên liệu sẽ kết hợp với nhau như thế nào thôi, còn các bước thực hiện thì quen tay là mình có thể biến tấu được khá khá vị bánh rồi.

Bài viết này Bếp Bánh sẽ hướng dẫn các mẹ cách làm bánh dẻo tuyết chanh leo nhé, loại quả rất phổ biến và rất rẻ, đã được Bếp ứng dụng vào các công thức làm bánh chanh leo khá nhiều rồi đó.

thanh-nhe-cong-thuc-lam-banh-deo-tuyet-chanh-leo-1

Công thức làm bánh dẻo tuyết chanh leo thanh nhẹ - Passion Fruit Snowskin Mooncakes

  • Bột gạo 25 gr
  • Bột bánh dẻo 25 gr
  • Đường trắng 50 gr
  • Bơ 13 gr
  • Nước cốt chanh dây 90 ml
  • Đậu nành 1 kg
  • Dầu ăn 2 muỗng canh
  • Muối 1/2 muỗng cà phê
  • Đường bột 30 gr
  • Nước cốt chanh 15 ml
  • Trà đen 10 gr hoặc 1 gói trà túi lọc

thanh-nhe-cong-thuc-lam-banh-deo-tuyet-chanh-leo-2

Cách làm bánh dẻo tuyết chanh leo chua ngọt dịu dàng - Passion Fruit Snowskin Mooncakes

Bước 1: Ngâm đậu tương trong nước chừng 12 tiếng cho đậu nở mềm. Thỉnh thoảng thay nước cho sạch đậu. Lúc này lớp vỏ đậu đã tróc vỏ, bạn chỉ cần dùng tay chà xát nhẹ là lớp vỏ đậu sẽ dễ dàng bong ra. Đãi đậu tương cho sạch vỏ, rửa sạch lại lần nữa rồi để ráo. Cho đậu vào nồi áp suất với một xíu muối, thêm lượng nước vừa đủ ngập mặt đậu, nấu nhừ. Bạn có thể kiểm tra độ mềm của đậu đã ưng ý chưa bằng cách dùng muỗng miết hay khuấy đậu cũng sẽ thấy đậu dễ dàng vỡ nát.

Bước 2: Đem phần đậu này đi xay nhuyễn bằng máy xay tay hoặc máy xay sinh tố cùng với một bát con nước chấm nước đun sôi để nguội, lúc này bạn sẽ có một hỗn hợp khá mịn mượt. Cho hỗn hợp đậu vừa xay vào nồi hoặc chảo có đáy dày, để lửa vừa. Quấy đều tay và gần như liên tục, vừa quấy vừa chú ý vét thành và đáy nồi để tránh làm cho phần nhân đậu bị bén nồi, dễ cháy khét. Quá trình này giúp hơi nước trong nhân đậu bay bớt đồng thời làm cho phần nhân đậu dẻo mịn hơn. Khi nước đã bay hơi bớt, và phần đậu sánh, sệt hơn, đảo thấy nặng tay thì cho đường vào trộn đều. Hạ nhỏ lửa, cho vào 1 muỗng cà phê dầu ăn để giúp nhân mềm dẻo hơn.

Bước 3: Rây bột gạo và bột gạo nếp rang ra thố trộn cho mịn. Từ từ thêm nước cốt chanh vào trộn đều. Sau đó tiếp tục thêm bơ đã được làm nóng chảy vào và tiếp tục trộn đều cho đến khi không còn bột khô hay vón cục.

Bước 4: Cho bột ra khay hấp, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm rồi đem hấp cách thủy chừng 15-20 phút cho bột chín hẳn. Bột bánh sau khi hấp chín, lấy ra xới lại cho bột nguội bớt và nhanh chóng dẻo mịn lại.

Bước 5: Trộn lại phần nhân đậu tương (Phần A: 1kg đậu nành, đường, dầu ăn, muối) cho bột dẻo lại, sau đó đem chia thành 2 phần, một phần 80g (Phần B: 15g nước cốt chanh, 30g đường bột), một phần 60g (Phần B: 10g trà đen hoặc 1 túi trà hãm với 30ml nước nóng, 20g đường). Lần lượt trộn phần B với nguyên liệu nhân B và phần C với nguyên liệu nhân C bạn sẽ được thành phẩm là 2 vị nhân khác nhau: vị chanh leo và vị trà. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín 2 bát nhân này, cho vào ngăn mát tủ lạnh để bột nghỉ chừng 15 phút chờ đúc bánh.

Bước 6: Lấy bột làm vỏ bánh và 2 vị nhân ra, nhồi lại lần nữa cho bột dẻo lại rồi chia mỗi loại thành 5 phần đều nhau, viên tròn lại. Viên tròn nhân chanh leo rồi ấn cho dẹt mỏng, đặt nhân trà vào giữa bọc kín lại.

Bước 7: Tiếp tục viên tròn lại vỏ đậu và ấn cho dẹt mỏng, đặt nhân chanh trà vừa viên tròn vào giữa, bọc kín. Cứ lần lượt tương tự cho hết cả 5 phần bột. Trước khi đóng khuôn, quết một lớp dầu mỏng (dầu lạc hoặc dầu dừa) hoặc bột áo lên thành khuôn để chống dính, sau đó mới đặt viên bánh vào và đóng bánh.

thanh-nhe-cong-thuc-lam-banh-deo-tuyet-chanh-leo-3

Bánh sau khi đóng, cho vào hộp kín, để trong ngăn mát tủ lạnh ít nhất là 1 giờ trước khi ăn.

Không phải nói về màu sắc bắt mắt hay vị chua chua của chanh leo trung hòa như thế nào, mà phải nói về độ ngậy nhưng không ngấy của đậu nành. Công thức làm bánh dẻo tuyết chanh leo này xứng đáng để thử các mẹ ạ!!!

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Công thức làm bánh Tiramisu cổ điển - lưu ý khi làm bánh tiramisu

Tiramisu là một trong những dòng bánh lạnh sang chảnh nổi tiếng, luôn có mặt trong thực đơn tráng miệng của các nhà hàng và khách sạn 5*. Với Bếp Bánh thì Tiramisu cũng loại bánh dễ ăn nhất và ít gây ngán nhất, thường là lựa chọn của mình khi làm bánh tặng, làm bánh sinh nhật tiramisu.

Dưới đây là công thức làm tiramisu truyền thống, cách làm bánh tiramisu cổ điển chuẩn chỉnh vị nguyên bản nhất, các bạn có thể thay đổi tùy theo khẩu vị hay độ khó kiếm của nguyên liệu ấy nhé ;)

cong-thuc-lam-banh-tiramisu-co-dien

Công thức làm bánh Tiramisu truyền thống - cho 8 người

Cách làm tiramisu thành công cho thành phẩm bánh xốp nhẹ, mềm mại, béo ngậy, thơm, mát lạnh, độ ngọt vừa miệng, bánh khô ráo không bị chảy nước, không bị xẹp, bị nhão. Xem ngay công thức làm bánh tiramisu cổ điển và những lưu ý chi tiết dưới đây nhé:

Nguyên liệu làm bánh Tiramisu truyền thống cổ điển

  • 4 quả trứng gà to vừa phải để ở nhiệt độ phòng (cân nặng 4 quả cả vỏ khoảng trên, dưới 240g).
  • 1 gói đường va ni.
  • 1 thìa cafe nước cốt hạnh nhân hoặc 1 thìa súp rượu Rhum Negrita (không bắt buộc).
  • 200ml nước cafe đen không đường (mình đun sôi 200ml nước rồi hoà 2 thìa súp đầy có ngọn cafe đen loại hoà tan Nescafé, hòa tan đều rồi cho tiếp 1 thìa súp rượu Rhum Negrita vào quấy đều rồi để cho hỗn hợp nước cafe thật nguội).
  • 80g đường nâu.
  • 20g bột ca cao đắng (poudre de cacao amer).
  • 250g phô mai Mascarpone 
  • 300g bánh quy loại cái thìa (300g biscuits à la cuillère) hiệu Boudoir.
  • 1 nhúm muối.
  • 1 khuôn bánh hình chữ nhật hoặc đĩa to sâu lòng.

 Cách làm bánh Tiramisu truyền thống cổ điển

Bước 1: Tách riêng lòng trắng và lòng đỏ trứng gà.

Bước 2: Lòng trắng cho vào âu của máy đánh trứng cùng một nhúm muối hạt nhỏ.

Bước 3: Lòng đỏ cho vào âu to cùng đường đỏ, đường va ni. Dùng phới đánh trứng quấy hoà tan đường và lòng đỏ trứng, đường va ni sau đó cho mascarpone vào quấy cho tan hoà đều tất cả (mịn và đặc sền sệt như sữa chua mới được ).

Bước 4: Đánh lòng trắng trứng mức độ tăng dần đều từ số 1 đến số 8, đánh cho đến khi lòng trắng trứng đông lại là được, đánh khoảng 4-5 phút.

Bước 5: Chia chỗ lòng trắng ra làm 3 phần bằng nhau rồi cho dần từng phần vào âu hỗn hợp lòng đỏ trứng, dùng xẻng làm bánh đảo nhẹ nhàng vòng theo xung quanh âu vòng vào giữa rồi đảo vét từ dưới lên trên, cũng làm như thế đối với 2 phần lòng trắng trứng còn lại, cứ đảo nhẹ nhàng, nhanh tay cho đến khi thu được một hỗn hợp bồng bềnh đồng nhất là được.
LƯU Ý: Bạn nào đánh lòng trắng trứng bằng tay cũng tuân thủ cách làm này và đánh đến khi nào dốc ngược âu lòng trắng trứng mà lòng trắng đứng yên là được nhưng LƯU Ý với cả cách đánh bằng máy hoặc bằng tay chúng ta đều không nên đánh trong thời gian lâu quá, khi thấy lòng trắng đã bông cứng là ngừng, nếu đánh thêm nữa lòng trắng sẽ bị tách nước sẽ hạn chế cho sự thành công của bánh.
Bước 6: Nhấn chìm nhanh 2/3 bề dầy của từng chiếc bánh bích quy vào trong bát nước cafe (dìm mặt có đường vào bát nước cafe) rồi úp mặt bánh còn khô xuống đáy khuôn, đặt bánh cạnh nhau lần lượt cho đến khi lót kín đáy khuôn hoặc đĩa to sâu lòng rồi múc một lớp creme phủ kín mặt bánh dầy khoảng 1cm rồi lại xếp lên mặt lớp creme một lớp bánh bích quy đã được dìm trong nước cà phê rồi lại phủ lớp creme cứ xếp lần lượt như thế cho đến khi hết bánh và creme 

Bước 7: Để bánh vào ngăn mát tủ lạnh 6 giờ (không cần bọc kín bánh). Tốt nhất là làm từ chiều tối hôm trước rồi để bánh vào ngăn mát tủ lạnh, ngày hôm sau mới sử dụng.

Bước 8: Lấy bánh ra khỏi tủ lạnh ta cho bột ca cao vào cái rây nhỏ, rắc phủ kín mặt bánh một lớp bột ca cao.

Lưu ý khi thực hiện cách làm bánh tiramisu truyền thống cổ điển

  • Có thể thay thế phô mai Mascarpone bằng sữa chua Brassé hương vị va ni (Brassé à la vanille) hoặc crème fraîche (creme tươi).
  • Có thể thay thế bột ca cao đắng bằng chocolate bào vụn để phủ mặt bánh.
  • Có thể cho các loại hương liệu khác hoặc các loại rượu mà bạn ưa thích vào nước cafe với liều lượng tương đương như sau: Nếu là hương liệu như nước cốt va ni, hạnh nhân... các bạn cho 1 thìa cafe vào lúc nước cafe đã nguội hẳn. Nếu là rượu các bạn cho 1 thìa súp vào lúc nước cafe còn đang nóng quấy đều rồi để cho hỗn hợp nguội hẳn.
  • Nếu không muốn dùng nước cafe thì khi tạo bánh các bạn làm như sau: lót một lớp creme (tạo từ hỗn hợp lòng trắng, lòng đỏ, phô mai hoặc loại thay thế, hương liệu...) sau đó xếp một lượt bánh bích quy cái thìa (cũng có thể thay thế bằng loại bánh quy mà bạn ưa thích) rồi lại đến một lớp creme, cứ lần lượt như thế và phủ trên là một lớp creme rồi trên cùng là phủ một lớp bột ca cao.
  • Cũng có thể kết hợp cùng với các loại trái cây mà bạn ưa thích như dâu tây, táo...trái cây khi đảo cùng với 2/3 creme các bạn nên cắt vuông quân cờ. Cách tạo lớp bánh cũng như bình thường. Riêng 1/3 số creme còn lại các bạn dùng để phủ mặt bánh, trên mặt bánh thay vì phủ thêm một lớp bột ca cao thì các bạn phủ bằng một lớp trái cây ( giống như lớp trái cây làm nhân ) nhưng cách thái khác đi để trang trí mặt bánh cho đẹp. Với cách làm bánh tiramisu kết hợp với trái cây này chúng ta không sử dụng bột ca cao và tất nhiên công thức sẽ có sự thay đổi trong phần nguyên liệu.
Bên trên Bếp Bánh đã giới thiệu khá chi tiết cách làm tiramisu cổ điển rồi, tặng kèm thêm video hướng dẫn cách làm tiramisu cho dễ hiểu nữa nha


Chúc các bạn thành công!

Cách làm Tiramisu xoài chanh leo - Mango and passionfruit tiramisu

Cách làm bánh Tiramisu vẫn chưa bao giờ hết HOT trên thị trường bánh trái bởi hương vị thơm ngon, hòa quyện thơm nồng giữa whipping và mascarpone. Tiramisu lại rất dễ kết hợp với các loại trái cây hay nguyên liệu khác để cho ra hương vị mới lạ.

Bài viết này, Bếp Bánh sẽ hướng dẫn các bạn cách làm Tiramisu xoài chanh leo, sử dụng các nguyên liệu của mùa hè để  làm ra loại bánh hấp dẫn này, bạn chỉ cần làm theo một vài bước sau đây thôi nhé! Bắt tay vào làm ngay nào!

cach-lam-tiramisu-xoai-chanh-leo-1

Nguyên liệu làm bánh Tiramisu xoài chanh leo

  • Bánh Sampa: 200 gram
  • Chanh leo: 3 quả
  • Xoài: 3 quả
  • Nước cam: 400ml
  • Phô mai Mascapone: 600 gram
  • Whipping Cream (Kem tươi): 500ml
  • Rượu cam Cointreau: ½ cốc
  • Vani: 1 lọ
  • Đường theo khẩu vị

cach-lam-tiramisu-xoai-chanh-leo-2

Cách làm bánh Tiramisu xoài chanh leo

Bước 1: Chanh leo tách phần thịt, để cả nước cốt và hạt chanh leo vào một bát nhỏ. Mình sử dụng hạt chanh leo cho đẹp, các vạn không thích có thể lọc lấy nguyên nước cốt.

Bước 2: Xoài rửa sạch, bỏ vỏ, cắt thành từng lát mỏng.

Bước 3: Cho lần lượt nước cam, rượu cointreau và ½ lọ vani vào chung một bát rồi trộn đều cho các nguyên liệu quyện vào nhau.

Bước 4: Dùng một âu lớn cho phô mai, Whipping Cream, ½ lọ vani còn lại, một ít đường vào chung rồi đánh đều tay cho đến khi thu được hỗn hợp nhuyễn mịn, xốp dẻo thì dừng lại.

Bước 5: Nhúng lần lượt 20 chiếc bánh Sampa vào hỗn hợp ở bước 3 rồi xếp gọn gàng vào khay bánh.
Lưu ý: Vì bánh Sampa hút nước rất nhanh nên ở thao tác này bạn cần thực hiện nhanh tay để tránh tình trạng bánh hút nước quá nhiều dễ nát.
Bước 6: Phủ đều 1/2 lượng xoài tươi rồi đến lớp kem ở hỗn hợp bước 4 lên mặt bánh ở trong khay.

Bước 7: Tiếp tục phủ nốt lượng xoài còn lại và rưới nước cốt chanh leo lên rồi dùng mạng bọc thực phẩm bọc kín miệng khay bánh lại.

Bước 8: Cho khay bánh vào ngăn mát của tủ lạnh để làm đông trong khoảng từ 2 – 3 tiếng.

Chúc các bạn thành công!

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Cách làm bánh tart chanh leo chanh sả như khách sạn 5 sao

Công thức làm bánh tart chanh leo - passion fruit tart

Bếp Bánh quyết tâm chinh phục bằng được quả chanh leo be bé, hôm nay mình làm tart nhé ạ ^_^ chanh sả như khách sạn 5* không ^_^  :)))))

1, Đế tart - Cách làm bánh tart chanh leo

- 195g bột mì
- 50g đường
- 113g bơ (để lạnh)
- 1 quả trứng gà

Bước 0: Bật lò nhiệt 180 độ trước 10'
Bước 1: Cho bột mì và đường vào âu, trộn đều.
Bước 2: Cắt bơ thành những miếng nhỏ, thả vào âu đường bột, dùng các đầu ngón tay trộn đều cho đến khi được một hỗn hợp khô như vụn bánh mì.
Bước 3: Đập trứng vào và bóp đều cho đến khi được phần bột mềm, dẻo, không dính tay. Bọc kín bột và cho vào tủ lạnh 1 giờ.
Bước 4: Lấy bột ra, rắc một ít bột áo rồi cán mỏng, lót bột vào khuôn. Nên ấn chặt tay để bột bám sát với khuôn, tránh làm rách bột.
Bước 5: Nướng vỏ tart trong 15 phút (ở 180 độ C).


2, Tart chanh leo - Cách làm bánh tart chanh leo

- 75ml kem tươi (whipping cream)
- 50g đường
- 3 quả trứng
- 85g nước cốt chanh leo


Bước 1: Sau khi nướng vỏ xong, lấy ra để nguội. Hạ nhiệt độ lò xuống 160 độ C. Chuyển sang làm kem chanh leo.
Bước 2: Cho kem tươi, đường, trứng và nước cốt chanh leo vào một chiếc bát to. Quấy đều tay cho đến khi các nguyên liệu hòa quyện thành một hỗn hợp kem mịn, sáng màu. 
Bước 3: Đổ hỗn hợp lên các vỏ tart đã nướng sẵn, đổ đầy gần sát mặt vỏ tart. Nướng bánh 13-15 phút (160 độ C). Lấy ra để nguội rồi cho vào tủ lạnh.

Chúc các bạn thành công với công thức làm bánh tart chanh leo dễ ợt này nhé!

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Công thức làm bánh Bars chanh leo - Passion fruit bars

Sử dụng chanh leo để pha chế đồ uống hay các công thức làm bánh từ chanh leo rất được các chị em ưa chuộng bởi vị chua chua, thơm dịu dàng của chanh leo kết hợp cùng các nguyên liệu trở nên vô cùng hấp dẫn. Bếp rất khuyến khích các mẹ sử dụng chanh leo bởi những công dụng rất tuyệt vời mà chanh leo mang lại cho sức khỏe.

Bếp Bánh cực kỳ yêu thích loại quả này và đã thử nghiệm các công thức làm bánh chanh leo cho thỏa mãn, trong đó cách làm bánh bars chanh leo - Passion fruit bars đơn giản này là một công thức tủ của Bếp mỗi dịp cuối tuần. Cùng khám phá loại bánh ngon tuyệt này nào!!!

TÁC DỤNG TUYỆT VỜI CỦA CHANH LEO

  • Chanh leo là nguồn cung cấp lượng vitamin C cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi trong giai đoạn đầu của thai kỳ. 
  • Giúp cải thiện thị lực và chống nhiễm trùng, hữu ích trong việc chữa thiếu máu.
  • Chiết xuất từ chanh leo còn có hiệu quả trong việc tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Thường sử dụng chanh leo để chữa trị các vấn đề tiêu hóa và các bệnh liên quan đến dạ dày.
  • Chanh leo giúp nuôi dưỡng tất cả các loại da, đặc biệt là da bị mụn, chống lão hóa da và chống viêm da hết sức hiệu quả.
  • Đặc biệt có lợi cho người bị mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Nó có tính chất làm buồn ngủ, giúp bạn thư giãn và làm dịu các leo thần kinh.

LƯU Ý KHI SỬ DỤNG CHANH LEO

  • Dùng chanh leo thường xuyên và liều cao hơn sẽ dẫn đến các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, người đờ đẫn và nôn mửa. Đôi khi nó làm cho chóng mặt và loạn nhịp tim.
  • Tương tác với các thuốc an thần và thuốc kháng histamine hoặc một số thảo dược, và làm tăng mức độ buồn ngủ.
  • Tăng nguy cơ chảy máu vì tương tác với thuốc chống đông.
  • Dễ gây dị ứng trên da như nổi mề đay, khó thở, hen suyễn và phù mạch máu.
  • Không dùng chanh dây cho người loét dạ dày vì nhiều axít hữu cơ, và có nguy cơ xuất hiện sỏi thận.
Chú ý: Cần đến bác sĩ ngay nếu thấy một trong các triệu chứng trên. Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên dùng liều quá cao.
>>> Công thức làm bánh tart chanh leo - passion fruit tart
>>> Cách làm Tiramisu xoài chanh leo
>>> Hướng dẫn làm bánh chanh leo cho người mới bắt đầu


1, Công thức làm bánh bars chanh leo –  Đế tart – Pâte Sucreé

- 125gram bơ nhạt nhiệt độ phòng
- 90gram đường xay
- 1/2 thìa cafe vanilla dạng lỏng
- 1 quả trứng gà (60-65gram cả vỏ) 
- 250gram bột mì đa dụng (all purpose flour)
- 1/4 tsp (thìa cafe) muối

Bước 1: Cắt bơ thành miếng nhỏ, cho vào âu cùng đường. Dùng máy đánh trứng, đánh cho bơ quyện với đường, bơ trở nên mịn và mượt. Nhưng không đánh đến mức bơ bông xốp, chuyển màu vàng nhạt (hoặc trắng) như làm bánh bông lan.
Bước 2: Đánh tan nhẹ trứng gà với vanilla. Đổ trứng vào âu. Đánh cho hỗn hợp bơ đường hòa quyện với trứng.
Bước 3: Trộn muối với bột. Chia bột thành 2-3 phần. Rây từng phần vào âu. Để máy ở tốc độ thấp nhất, đánh đến khi bột vừa đủ hòa quyện với bơ, tạo thành các “vụn” bơ và bột thì dừng lại.
Bước 4: Đổ bột ra mặt phẳng để tiếp tục nhồi (tốt nhất là nhồi trên mặt đá lạnh). Dùng tay nhồi bột thật nhanh (trong khoảng 1-2 phút), đến khi các nguyên liệu hòa quyện thành một khối. Không nên nhồi lâu hơn vì bơ có thể sẽ chảy.
Bước 5: Bọc kín cả phần bơ bột này, để vào tủ lạnh từ 1-2 tiếng, đến khi bột đủ cứng để có thể cán mỏng.
Bước 6: Cán mỏng bột rồi cho vào khuôn vuông 20 x 30cm. Nướng 180 độ 10', giảm 160 độ 10' tiếp.



2,  Công thức làm bánh bars chanh leo – Mứt bơ chanh leo – Passion fruit curd

- 2 trứng gà
- 130gram đường xay
- 25gram bột mì đa dụng
- 60ml nước cốt chanh leo
- Vỏ 1 quả chanh vàng bào rất vụn.

Bước 1: Cho trứng và đường vào âu. Đánh đến khi đường tan, trứng chuyển màu vàng nhạt.
Bước 2: Cho nước cốt chanh leo vào âu. Trộn đều. Cuối rây bột mì & vỏ chanh (bào rất rất vụn để tránh bị đắng) trộn đều.


3,  Công thức làm bánh bars chanh leo – Ráp bánh

Bước 1: Sau khi nướng xong đế thì lập tức đổ phần hỗn hợp mứt chanh leo lên trên. Cho vào lò nướng thêm khoảng 15-20 phút đến khi mặt mứt chuyển vàng, mặt trên của bánh se lại và khi lắc thấy mứt có thể hơi rung rinh.
Bước 2: Lấy bánh ra khỏi lò, để nguội trong khuôn rồi lấy bánh ra khỏi khuôn. Cắt thành miếng nhỏ. Trước khi ăn rắc thêm đường bột lên mặt bánh (chỉ rắc ngay trước khi dùng).

Chúc các bạn thành công!

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

Cách làm Mochi nhân kem sữa chua chanh leo từ bột sống

Mochi vốn là loại bánh nổi tiếng của ẩm thực Nhật Bản, chắc chắn ai cũng biết đến mochi trà xanh hay mochi icream nhưng lại chưa khám phá hết loại bánh đặc sắc này. Kết hợp mochi cùng chanh leo làm nên thành phẩm thì cực kỳ ấn tượng đó ạ!

Công thức làm mochi nhân kem sữa chua chanh leo - công thức được 20 bánh. Với cách làm mochi từ bột nếp sống mà Bếp Bánh giới thiệu này hơi cầu kỳ một chút, nhưng các mẹ nên thử nhé, vì đã biết cách làm này rồi thì không còn loại mochi nào làm khó được các mẹ nữa đâu.

cach-lam-mochi-nhan-kem-sua-chua-chanh-leo

Bếp Bánh đã giới thiệu khá nhiều công thức làm bánh chanh leo thơm thơm, chua dịu ngon miệng cho mùa hè rùi, nhưng em mochi chanh leo này quả là ấn tượng nhất. Xem ngay cách làm dưới đây nào!!!

Nguyên liệu làm Mochi nhân kem sữa chua chanh leo từ bột sống

1. Nguyên liệu làm nhân kem sữa chua

  • 4 quả chanh leo to lọc lấy khoảng 75ml nước
  • 100ml sữa chua (có đường)
  • 400g whipping cream
  • 80g đường xay
  • 20g gelatine
  • Khuôn silicon tròn hoặc khuôn cakepop. Chống dính khuôn bằng cách Dùng dầu ăn bôi đều vào khuôn cầu cho đều thành 1 lớp mỏng

2. Nguyên liệu làm nước màu vỏ bánh mochi nhân kem sữa chua

  • 3 quả chanh leo to
  • 100ml nước

3. Nguyên liệu làm vỏ bánh mochi từ bột nếp sống

  • 250g bột nếp
  • 200ml nước màu tự nhiên ở phần trên
  • 100ml nước cốt dừa 
  • 100ml nước lọc 
  • 30g dầu ăn
  • 80-100g đường
  • Phần bột áo: 3tbsp bột gạo nếp rang chín

Cách làm Mochi nhân kem sữa chua chanh leo từ bột sống

1. Cách làm nhân kem sữa chua - Cách làm mochi chanh leo

Bước 1: Lọc nước chanh leo rồi hòa tan với đường.Ngâm lá gelatien với nước cho mềm rồi quay chảy bằng lò vi sóng, thả vào nước chanh leo vừa lọc

Bước 2: Đánh bông kem tươi ở tốc độ nhỏ nhất. Trộn kem tươi với sữa chua cho đều rồi cho nước chanh và gelatine ở bước trên vào trộn cùng

Bước 3: Dùng thìa, múc kem đổ đầy ngang mặt khuôn. Để lạnh trong ngăn đá cho đến khi đông cứng

2. Nguyên liệu làm nước màu vỏ bánh mochi nhân kem sữa chua

Bước 1: 3 quả chanh leo to rây lấy nước

Bước 2: Hoà thêm khoảng 100ml nước để được 200ml nước màu vàng tự nhiên.

3. Cách làm vỏ bánh mochi từ bột nếp sống - Cách làm mochi chanh leo

Bước 1: Cách nấu bột làm bánh mochi từ bột nếp sống
- Rây bột nếp vào âu to.
- Hòa nước cốt dừa, nước màu, đường và dầu ăn vào 1 âu khác. Rót từ từ vào âu bột. Tiếp tục cho 100ml nước lọc vào quấy đều tan.
- Dùng phới lồng quấy đều đến khi bột tan hết. Rây bột vào bát thủy tinh to chịu nhiệt. Bỏ vụn bột cặn.
- Cho hỗn hợp bột vào lò vi sóng để nất nhiệt cao nhất, nấu khoảng 3-4 phút 
- Sau đó lấy bột ra quấy đều đến khi bột sánh lại, dính và quấy thấy nặng tay. 
- Tiếp tục cho bột vào quay, mỗi làn khoảng 1 phút, đến khi bột sôi và nổ bong bóng, phì khí ra thì là bột đã chín, lấy ra nếm thử thấy không còn đọng bột sống, hỗn hợp dẻo, dính và thơm là được.
- Nếu không có lò vi sóng, cho bát bột vào nồi nấu cách thủy, cách quấy giống cách dùng lò vi sóng.

Bước 2: Nặn bánh mochi nhân kem sữa chua chanh leo
- Đổ bột ra khay nướng có lót giấy chống dính. Để bột nguội bớt.
- Khi bột còn đang ấm thì dùng dao cắt bột ra thành khoảng 20 phần (mỗi phần sẽ khoảng 30g)
- Đặt mỗi viên bột lên giấy bóng kính, dùng 1 miếng khác phủ lên rồi ấn, cán bột thành miếng tròn mỏng. 
- Bóc bỏ lớp bóng kính phía trên, cho nhân vào, gói viên bánh lại và vê tròn. 
- Lăn nhẹ bánh qua lớp bột áo, phủi bỏ bột thừa. 
- Xếp vào hộp, đĩa rồi bọc kín tránh làm bánh bị khô trước khi ăn.

Lớp vỏ trong suốt màu vàng thật hấp dẫn phải không cả nhà, nằm lòng cách làm mochi từ bột nếp sống này là các bạn cũng đã hiểu thêm về nền tảng bánh Nhật rồi. Có thể luyện level tăng lên và thực hiện cách làm bánh trung thu hiện đại phiên bản bánh mochi Nhật Bản xem sao nè.

Chúc các bạn thành công!

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

Cách làm bánh mì chanh leo thơm dịu dàng quyến rũ

Cách làm bánh mì chanh leo siêu nhanh mà ăn cũng nhanh, chua chua ngọt ngọt, mềm xốp nhẹ bông vô cùng quyến rũ. Tặng thêm các bạn công thức làm mứt bơ chanh leo thơm dịu dàng phủ bánh và sử dụng cho nhiều món ngon nữa nhé!

cach-lam-banh-mi-chanh-leo-thom-diu-dang-quyen-ru-bep-banh

cach-lam-banh-mi-chanh-leo-thom-diu-dang-quyen-ru-bep-banh-1

1, Công thức làm bánh mì chanh leo

Nguyên liệu làm bánh mì chanh leo

  • 140gr bơ
  • 4 quả trứng
  • 100gr kem phô mai
  • 20gr sữa
  • 2 quả chanh leo
  • 180gr đường
  • 220gr bột mì
  • 2gr baking powder

cach-lam-banh-mi-chanh-leo-thom-diu-dang-quyen-ru-bep-banh-2cach-lam-banh-mi-chanh-leo-thom-diu-dang-quyen-ru-bep-banh-3

Cách làm bánh mì chanh leo

Bước 1: Bơ cắt thành những miếng nhỏ, cho thêm đường vào rồi dùng máy đánh trứng đánh bông.

Bước 2: Lấy một cái âu khác, đánh kem phô mai cho mịn.

Bước 3: Trộn hỗn hợp bơ đường cùng kem phô mai đã đánh mịn. Sau đó cho thêm trứng vào, tiếp tục đánh đều.

Bước 4: Chanh leo cắt đôi, lấy phần ruột bên trong, cho vào hỗn hợp kem phô mai ở bước 3, thêm sữa tươi vào cùng và đánh đều.

Bước 5: Cho thêm bột mì và baking powder vào trộn đều củng hỗn hợp ở bước 4.

Bước 6: Đổ hỗn hợp bột vào khuôn, nướng ở nhiệt độ 165 độ C trong vòng 50 phút là bánh chín.

2, Công thức làm mứt bơ chanh leo phủ bánh - Passion fruit curd

cach-lam-banh-mi-chanh-leo-thom-diu-dang-quyen-ru-bep-banh-4

Nguyên liệu làm mứt bơ chanh leo

  • 2 trứng gà
  • 130gram đường xay
  • 25gram bột mì đa dụng
  • 60ml nước cốt chanh leo
  • Vỏ 1 quả chanh vàng bào rất vụn

Cách làm mứt bơ chanh leo

Bước 1: Cho trứng và đường vào âu. Đánh đến khi đường tan, trứng chuyển màu vàng nhạt.

Bước 2: Cho nước cốt chanh leo vào âu. Trộn đều. Cuối rây bột mì & vỏ chanh (bào rất rất vụn để tránh bị đắng) trộn đều.

Chúc các bạn thành công với món bánh mì chanh leo quyến rũ, hợp miệng vào ngày hè này nhé!
 

Bếp Bánh Template by Ipietoon Cute Blog Design