Các lỗi thường gặp khi làm bánh mì và cách khắc phục
Không mới nhưng chẳng bao giờ là cũ và thừa cả, nhưng không phải ai cũng nằm lòng quy trình cách làm bánh mì chuẩn chỉnh từ A-Z, hoặc đôi khi có sơ sót nhở cũng làm hỏng cả mẻ bánh mà mình nhào nặn.
Dưới đây là 10 lỗi thường gặp khi làm bánh mì và cách khắc phục, rất đơn giản và dễ hiểu cho các bạn mới nè, xem ngay mình mắc lỗi ở đâu nhé!
1. Cách làm bánh mì - Bánh mì có nở nhưng nở ít vì thế bánh trở nên đặc, cứng và nhỏ
Đây có thể là 1 trong những lý do:
- Bột quá khô và cứng. Trong lúc nhào bột, có thể bạn đã trót dùng quá nhiều bột áo để chống dính tay và dính mặt bàn, khiến cho khối bột bị khô và chắc, nặng. Điều này làm cho bánh khi nướng không thể nở được mà trở thành một khối gần như y nguyên, cứng và đặc. Bột sau khi nhào xong cần phải còn hơi dính và mềm mượt.
- Quá nhiều muối. Bạn có biết: muối chính là kẻ thù giết chết men, men chết thì bánh mì không thể nở được.
- Lượng men dùng không đủ. Bạn cần kiểm tra lại lúc cân đong nguyên liệu mình có làm sai gì không nhé.
- Nhiệt độ để bột nở không đủ, nói cách khác là nhiệt độ môi trường quá mát, hoặc lạnh, trong khi đối với bánh mì thì cần có nhiệt độ môi trường ấm. Khi môi trường bị mát hoặc lạnh, men sẽ không hoạt động được.
- Nhiệt độ của lò nướng quá cao, vượt mức phù hợp để nướng bánh.
- Thời gian để bột nở chưa đủ, còn quá ngắn bạn đã vội đem bột đi tạo hình và nướng, bột khi đó chưa đạt được đến độ nở của nó.
- Bạn quên mất không nhào bột trước khi tạo hình bánh cuối cùng.
2. Cách làm bánh mì - Bánh mì không nở
Nguyên nhân có thể do:
- Cho men vào nước quá nóng khiến men bị chết.
- Cho trực tiếp muối vào lẫn với men, muối cũng sẽ làm cho men bị chết hoặc hạn chế khả năng hoạt động của men rất nhiều.
- Tỉ lệ bột bị nhiều và thừa so với các nguyên liệu khác, bạn đã dùng quá nhiều bột áo để chống dính trong lúc nhào bột và tạo hình bánh.
3. Cách làm bánh mì - Bánh có vị chua và mùi men còn rõ rệt
- Bột đã bị nở quá: nở quá nhiều và trong thời gian quá dài. Chúng ta chỉ nên để bột sau khi nhào được nở lên gần gấp đôi là vừa đủ, không nên thấy bột nở tốt quá và chúng ta “hào hứng” để bột nở lên cao nữa, to nữa trông cho “thích mắt”. Bạn cũng đừng nên mải làm việc khác mà quên mất tô bột của mình đang ủ nhé.
- Thời gian nướng chưa đủ: nếu bạn nướng chưa đủ thời gian, bánh vẫn chưa thoát được hết hơi của men trong đó nên vẫn còn mùi vị chua.
- Nhiệt độ ủ bột quá cao khiến bột khi ủ đã nở lên quá nhanh. Bạn nên kiểm soát nhiệt độ ủ bánh trong khoảng từ 24 – 29 độ C.
- Có thể bạn đã đong thừa men.
- Nhào bột chưa đủ kĩ khiến cho men chưa thể “hoạt động” hết.
4. Cách làm bánh mì - Bánh mì nướng xong có hình thù kì quặc
- Bạn quên không để bột nghỉ trước khi tạo hình. Sau khi ủ bột và khối bột nở lên gấp đôi, chúng ta lấy bột ra và ép cho khí ra hết. Sau đó để cho bột nghỉ khoảng 10 phút rồi mới nhào nặn tạo hình cho bánh.
- Bạn dùng khuôn bánh quá nhỏ so với lượng bột. Khi đó bột lúc nở sẽ không đều, tràn ra bên ngoài, rơi rớt khiến bánh có hình thù kì dị.
- Xếp nhiều bánh vào trong lò, nhiệt độ lò không đều khiến bánh nở không đều.
5. Cách làm bánh mì - Bánh bị chảy bẹt, không giữ được hình dạng sau khi tạo hình
- Bột bánh mì quá mềm và nhão, khiến cho bánh không giữ được hình dạng. Bạn cần kiểm tra lại tỷ lệ chất lỏng : chất khô trong công thức của mình, kiểm tra quá trình cân đong. Trường hợp này bạn có thể cho thêm bột từ từ để điều chỉnh sao cho khối bột không bị quá nhão mềm (và chú ý thêm vừa đủ, không để bột bị khô quá).
- Thay vì tự tạo các hình dạng khác nhau cho bánh, bạn cho bánh vào khuôn để giúp giữ được hình dạng bánh tốt hơn.
6. Cách làm bánh mì - Vỏ phía trên bị nứt
Bạn đã dùng quá nhiều bột mì để chống dính trong quá trình nhào bột và tạo hình, khiến cho bề mặt bánh bị khô và dễ bị nứt khi nướng.
7. Cách làm bánh mì - Bột bánh quá mềm và xẹp
- Khi bạn để bột nở lâu quá, nó sẽ trở nên quá cao và khi đó dễ bị xẹp.
- Nếu bạn đã cho bánh vào lò nướng mà trong lúc nướng bánh bị xẹp thì đó là do nhiệt độ lò quá thấp. Bột đã nở cao nhưng vì nhiệt độ không đủ để giữ cho bột chín và cứng lại để giữ nguyên hình dạng, vì vậy nó bị xẹp.
8. Cách làm bánh mì - Mặt trên bánh bị nhăn, không mịn mượt
Do bạn tạo hình chưa tốt nên bề mặt bột chưa mịn. Vì thế hãy đảm bảo là bạn nhào khối bột thật mịn rồi mới nặn nó thành hình bạn muốn làm.
9. Cách làm bánh mì - Vỏ bánh quá dày và cứng
- Bột quá khô sau khi nhào xong.
- Bánh trong lúc nở lần 2 đã bị khô do không khí quá khô, vì thế khi ủ cho bánh nở (để cho vào lò nướng), bạn nên dùng một chiếc khăn phủ lên bề mặt bánh, hoặc quét một lớp dầu ăn mỏng để chống bề mặt bánh quá khô, đặc biệt là khi không khí có độ ẩm thấp.
- Không để bánh nở quá lâu.
- Nhiệt độ lò thấp, khiến thời gian nướng bánh lâu, làm cho vỏ bánh bị khô cứng và dày.
10. Cách làm bánh mì - Màu vỏ bánh nhợt nhạt
- Vỏ bánh nói chung có màu đẹp là nhờ vào lượng đường trong bánh. Nếu bạn dùng quá ít đường, bánh sẽ bị nhạt màu dù thời gian nướng đã đủ.
- Nhiệt độ để ủ bột quá cao, khiến men đã “ăn” hết đường, nên bánh nướng xong sẽ bị nhạt màu.
- Nhiệt độ lò thấp không đủ để chuyển màu vỏ bánh.
Infographic các lỗi thường gặp khi làm bánh mì và cách khắc phục |
Ghép luôn cho các bạn 1 ảnh Infographic các lỗi thường gặp khi làm bánh mì và cách khắc phục để tiện lưu và xem lại khi cần. Chúc các bạn luôn thành công khi làm bánh mì và thử thêm nhiều công thức làm bánh mì từ Bếp Bánh dưới đây nhé!
Cảm ơn tác giả đã làm bài viết này, nó giúp mình rất nhiều trong khi làm bánh mì tại nhà.
Trả lờiXóaSao để nguyên nhân mà ko để cách khắc phục
Trả lờiXóaThợ bánh mì còn vào đọc để học thêm vài thứ
Trả lờiXóaBánh mì bị bở: Bánh làm bằng máy Tiross, bột Hoa Ngọc Lan, mùi vị ngon, ăn đậm, nhưng ruột bị bở... Có phải là do máy đánh yếu ko ạ?
Trả lờiXóa